Bà Chung bán vé số cho khách.
Theo đuổi ước mơ của con
Sau giờ tan học, chúng tôi đến nhà Trang ở tổ 16, P.Lộc Sơn, TP Bảo Lộc. Ngôi nhà cấp 4 xây giữa vườn cà phê trong một con hẻm ngoằn ngoèo hơi dốc. Lúc này bố Trang, ông Nguyễn Công Hưng (46 tuổi), vừa nghỉ tay cắt tỉa cành cà phê để ăn cơm trưa. Bữa cơm của cả nhà chỉ có một đĩa đậu hủ trắng, một đĩa rau luộc chấm nước mắm. Trang đi học về, cô bé có gương mặt sáng, nụ cười tươi xinh với áo dài trắng cùng áo len xanh đậm đồng phục của học trò xứ lạnh.
“Em thích xem Olympia từ hồi lớp 4, lớp 5. Nhìn các anh chị trả lời em ước mơ một lần đứng trên đó” - Trang kể với ánh mắt rạng ngời. Để thực hiện ước mơ, Trang tự nhủ “cứ cố thôi” và sưu tập cho mình những thành tích trong học tập như: Vở sạch chữ đẹp (lớp 5), Nhà sử học nhỏ tuổi, giải nhìTin học trẻ (lớp 7, 8), Học sinh giỏi toán(lớp 9)...
Trang nhập hội “fan cuồng Olympia” trên mạng để kết bạn với những anh chị đã thi những năm trước, những bạn dự định thi cùng năm để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị kiến thức và đăng ký dự thi. Cuối năm lớp 11, Trang làm đơn đăng ký dự thi Olympia được trường xác nhận và gửi về chương trình. “Em gửi xong cầm điện thoại run ơi là run. Lúc nào cũng nghĩ chương trình sẽ gọi mà không dám tắt điện thoại. Em đi ngủ cũng mơ thấy mình thi Olympia”, Trang cười nhớ lại.
Ngày 24/11/2013, sau khi chương trình gọi mời dự thi, cô Nguyễn Thị Thúy Phương - Hiệu phó nhà trường đưa Trang lên Đà Lạt để bay ra Hà Nội.
Chiến thắng là không bỏ cuộc
Trang bị say máy bay từ Đà Lạt ra Hà Nội. Đến ngày thi tuần, Trang được nhì cao điểm nhất (dùng câu hỏi phụ) nên hai cô trò ở lại tiếp tục vòng thi tháng.
Tại vòng thi tháng Trang cùng hai thí sinh Nguyễn Văn Hinh (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội), Nguyễn Thị Lâm Hà (THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) cùng đạt 130 điểm sau phần thi về đích, và phải dùng đến hai câu hỏi phụ để tìm người đoạt vòng nguyệt quế. Cuối cùng, thí sinh Nguyễn Văn Hinh thắng cuộc. Dừng lại ở vòng thi tháng, Trang khóc rất nhiều.
Nói về động lực trong học tập, cuộc sống, Trang bảo muốn khẳng định mình. “Mẹ em đi bán vé số, người ta khinh gia đình em. Năm lớp 10, 11 em đi làm thêm phục vụ bàn, bán sim điện thoại, phát tờ rơi... khách nói đúng sai gì cũng phải dạ. Phục vụ chậm một chút là khách chửi. Nhiều lúc bị chủ la một cách vô lý, em thấy mình bị xem thường. Em cố gắng học, có một công việc ổn định để người ta không còn xem thường gia đình mình nữa” - Trang tâm sự.
Trở về từ Olympia, Trang rút ra cho mình bài học trong cuộc sống là “Người chiến thắng không phải người giỏi nhất mà là người không bỏ cuộc” khi đăng ký nhiều lần mới được dự thi. Cuộc thi cũng cho Trang những người bạn tốt trong cộng đồng Olympians và những trải nghiệm thú vị khi đi ăn kem ở hồ Gươm.
“Em đang tập trung ôn luyện để thi vào ngành kinh doanh quốc tế và ngành quản trị kinh doanh, ĐH Ngoại thương TP.HCM. Sau đó, em sẽ tìm kiếm một học bổng để đi du học" - Trang chia sẻ về chặng đường phía trước.
Theo Tuổi Trẻ (09:15, 25/04/2014)
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét